(Viết tặng bố nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11)
Trong những ngày của tháng mười một này không hiểu sao con lại muốn viết về người nhiều đến thế. Bố ơi, không phải tháng mười một chỉ có tuần lễ tạ ơn mà còn có thêm một ngày của riêng bố, ngày nhà giáo Việt Nam. Bố ơi! cho con gọi bố một tiếng “thầy” vì bố là người thầy đáng kính nhất của con.
May mắn hơn mọi người khi con có bố là thầy giáo của con. Biết nói sao về cái niềm tự hào lớn lao ấy. Nhớ những buổi đầu học đầu tiên khi con trở về nhà, lúc mẹ bận nấu cơm, bố đã cầm tay con nắn từng nét chữ. Bố miệt mài cùng con đánh vần những chữ khó mà con thường ngọng líu ló lúc phát âm. Rồi hàng đêm thức khuya để cùng con tập viết từng con số, vẽ những bức tranh tuổi thơ với những ước mơ ngộ nghĩnh. Hàng ngày, bố đã dạy con cách xếp từng đôi dép khi đi học về, xếp sách vở gọn gàng trên bàn mỗi khi học bài xong hoặc cách phơi chiếc khăn thật ngay ngắn sau khi rửa mặt. Bố bảo những việc làm đó rất đơn giản nhưng nhìn vào nó ta có thể đánh giá tính cách một con người. Đó là bài học đầu tiên để trở thành người tốt, bài học biết có ý thức vì người khác.
Con nhớ có lần con bị điểm kém môn văn. Sợ bố mắng nên con đã không dám về nhà mà sang chơi nhà bạn. Cả buổi chiều ấy, khi bố đi công tác về gió bấc mưa phùn lạnh là thế, bố lại tất tả đi tìm con. Khi gặp con, biết lý do con không dám về nhà, bố chỉ nhẹ nhàng an ủi và nói rằng: “con gái của bố bị điểm kém chỉ là do con chưa thực sự cố gắng hết mình đó thôi. Chúng ta chỉ thành công khi ta thực sự yêu quý và đam mê nó”. Rồi bố ôm con vào lòng, con cảm thấy vô cùng bé nhỏ giữa vòng tay lớn rộng của bố. Cử chỉ đó của bố đã cho con bài học thứ hai, đó là bài học về sự trung thực và lòng thương nhớ. Con nhoẻn miệng cười và đưa ngón tay út của mình ngoắc vào tay út của bố để hứa hẹn những điểm cao hơn trong những bài văn sắp tới.
Ngày nào cũng thế, bố dạy con một bài học mới. Bố dạy con bài học tiết kiệm khi biết mặc lại quần áo cũ của anh chị mình mà không thấy ngại ngùng xấu hổ. Bố dạy con bài học biết nhường nhịn chia sẻ khi con đã vừa khóc vừa đòi lại viên bi mà con đã cho em. Sau mỗi chiều làm việc, bố lại vui với con và cùng con tết những sợi tơ hồng thành những vương miện để con đội lên đầu sau mỗi thành công, đó là bài học nhẫn nại vượt qua gian khó. Con vẫn nhớ lần đầu tiên con tập đi xe đạp. Khi tay bố rời khỏi chiếc xe, con loạng choạng mấy vòng rồi ngã oạch xuống sân gạch. Đau điếng, nước mắt con chảy dài mà bố chỉ cười: “không ngã thì sao biết đi xe, tự mình đứng lên đi con”. Con loay hoay mãi mới dựng được chiếc xe đứng dậy với những vết chầy xước trên đôi chân. Lúc đó con giận bố lắm, đã vùng vằng hất bàn tay bố ra khỏi tay mình. Bố nhìn những vết xước trên chân con rồi nói: “can đảm lắm con gái của bố, những vết xước trên chân con không có gì là quan trọng mà quan trọng là con đã tự dựng được chiếc xe đạp của mình lên khi không có bố giúp đỡ đấy thôi”. Giờ đây, những vết xước của buồi đầu tiên tập xe ấy đã thành sẹo nhưng con thấy hãnh diện vì những vết sẹo đó vì nó là vết sẹo của sự tự tin.
Khi con mười lăm tuổi, cái tuổi con bắt đầu cảm nhận được cơ thể mình đang lớn. Cả nhà mình chuẩn bị chuyển từ một vùng quê nghèo ra thành phố để bố mẹ được hợp lý hóa công tác. Ngày đầu tiên ra thành phố, bố đã chở con trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ kỹ. Hôm đó, hai bố con nghỉ ở trong một căn phòng nhỏ lợp mái lá mà bố mượn được của một bác đồng nghiệp. Căn phòng thì nhỏ chỉ kê được một chiếc giường, một cái bàn nhỏ và một cái ghế băng dài. Đêm ấy trời lại mưa to, những giọt nước mưa giột tí tách xuống nền nhà. Bố lấy những cái chậu nhỏ để hứng từng giọt nước. Tiếng giọt mưa rơi xuống chậu kêu loong coong, nước bắn tung tóe làm ướt hết cả ghế băng dài. Vậy mà đêm hôm đó con đã nhất định không chịu cho bố ngủ chung với con chỉ vì bố là con trai, con là con gái. Hôm sau, khi đi học về con thấy mặt bố đỏ bừng lên vì sốt do đêm hôm trước bố bị cảm lạnh. Đến khi cô y tá đến tiêm thuốc cho bố, con đã kể cho cô ấy nghe lý do bố bị cảm lạnh. Cô y tá gõ nhẹ một cái vào trán con và nói: “lớn thế này mà còn dại lắm cháu à”, sau đó cô cho con mượn một cuốn sách viết về “giới”. Vừa nấu cháo cho bố, con vừa ngấu nghiến đọc và kịp hiểu mình đã ngốc nghếch thế nào. Khi cầm bát cháo nóng đưa cho bố, con chỉ thấy ân hận và xấu hổ. Chuyện đó trôi qua đã nhiều năm, bố có thể quên nhưng con thì không bao giờ quên được. Vì lần đó con đã học được một bài học, đó là bài học đừng sợ dốt khi biết mình dốt thật.
Rồi cứ thế từng ngày con lớn lên cùng với những bài học không có trong giáo án của bố. Khi con bước vào đại học bố đã trở thành người thày trên bục giảng thực sự của con. Bố không chỉ là một người thầy mà còn là một cán bộ nghiên cứu mẫu mực với bao thế hệ sinh viên đã đi qua. Ở lớp học, con không dám đến gần bố bởi vì không hiểu sao những lúc đó con đã rất ngại gọi bố bẳng một tiếng “thầy”. Con tốt nghiệp và trở thành một cô kỹ sư nông nghiệp với những đam mê riêng của mình. Những khi đi làm đêm về muộn, con thường nghe thấy tiếng thở dài của bố. Bố trăn trở và cho rằng: “sai lầm lớn nhất của bố là đã định hướng cho con đi theo cái nghề nghiên cứu nông nghiệp của mình”. Không đâu bố. Con không trách bố đâu mặc dù ước mơ ngày đó của con là sẽ trở thành một nhà báo hoặc một cô giáo. Con biết nghề của bố là một nghề lam lũ vất vả nhưng con đã rất tự hào về nó. Biết là gian khổ đó mà vẫn chấp nhận, biết là khó khăn đó mà vẫn vui vẻ đối mặt, biết là tiếp xúc với hóa chất nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe mà cũng vẫn miệt mài. Con hứa sẽ làm tốt nó vì con yêu bố. Con sẽ luôn học hỏi và phấn đấu và làm tiếp những gì bố đang làm dang dở. Bố có biết không, dù không trở thành nhà báo nhưng khi bước ra khỏi phòng thí nghiệm, khi cởi chiếc áo blu trên người ra, con vẫn lại trở thành một người cầm bút đó thôi. Cũng từ đó con thuộc thêm một bài học mới, đó là bài học ở đâu có ý chí thì ở đó có con đường và hãy mở rộng tâm hồn mình để có một trái tim đầy ắp những yêu thương. Bố có nhìn thấy không, con đã dựng ngược trái tim mình lên rồi đấy, ở đó con thấy nó có hình ngọn lửa luôn bập bùng cháy...
Giờ đây, khi đã trưởng thành và tự đứng trên đôi chân của mình. Con đang học tập ở một nơi rất xa với những ngày không có bố ở bên cạnh. En-try này con viết dành riêng cho bố với những cảm xúc yêu thương và sự ngưỡng mộ chân thành nhất. Đó không chỉ là tình cảm của đứa con đang ở nơi xa hướng về phía bố mà đó còn là tình cảm của một cô học trò hướng về người thầy giáo đáng kính của mình. Bởi lẽ, không có bó hoa nào đẹp hơn những tình cảm chân thành của những học trò cũ dành cho người thầy cũ. Đúng vậy phải không bố? Bố ơi, cho con gọi bố một tiếng “thầy” vì thầy mãi là người giữ lửa cho em.